Danh tiếng trống Đọi Tam
Nghề làm trống làng Đọi Tam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đã được gìn giữ hàng ngàn năm qua. Theo tục lệ “cha truyền con nối” việc truyền nghề làm trống chỉ cho con trai, con gái, con rể không được truyền nghề vì sợ đem nghề đi nơi khác. Làng Đọi Tam hiện có hơn 500 hộ làm trống, hàng ngàn người thợ nơi đây cũng đã đem nghề đi phát triển đến nhiều nơi. Người thợ Đọi Tam có thể làm nhiều loại trống đạt chất lượng cao. Năm 2007, làng trống Đọi Tam vinh dự được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu trong nước. Những nghệ nhân giỏi nghề đã giúp cho tiếng tăm làng trống Đọi Tam vang xa hơn khi làm những chiếc trống “kỷ lục” không chỉ ở Việt Nam mà còn có tầm quốc tế như chiếc trống có chiều cao 3m, đường kính mặt trống 2,3m phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, hay chiếc trống có đường kính 2,1m đặt ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)…
Người dân Đọi Tam còn có khả năng biểu diễn những bài trống rất đặc sắc. Từ năm 2004, làng Đọi Tam đã thành lập một đội trống lên đến 60 người đi biểu diễn phục vụ các dịp lễ hội ở các tỉnh, thành trong nước. Trong các sự kiện lễ hội lớn của đất nước cũng thường vang lên tiếng trống Đọi Tam và vì thế “Đọi Tam” đã trở thành thương hiệu trống truyền thống hàng đầu Việt Nam.
Trống Đọi Tam bám rễ đất Bình Định
Anh Lê Ngọc Văn 29 tuổi nhưng đã có 20 năm trong nghề làm trống. Gần một năm trước anh từ Đọi Tam tới đất Bình Định dựng lên cửa hàng trống Thăng Long lập nghiệp.
Nghệ nhân Lê Ngọc Văn vào Bình Định mở cơ sở sản xuất trống Đọi Tam
Nghệ nhân Ngọc Văn cho biết: “Bình Định là vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, nơi đây có nhu cầu lớn về trống chất lượng cao nên tôi cùng 4 thợ giỏi từ làng nghề đã vào đây làm các loại trống, chiêng, chuông phục vụ khách…”.
CSSX trống của anh Văn phục vụ nhu cầu trong tỉnh Bình Định
Tại cơ sở sản xuất trống Thăng Long tại xã Phước Lộc, những người thợ phải làm việc luôn tay mới đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Chiếc trống đại vừa hoàn thiện đặt ở mặt tiền cơ sở như một hình thức quảng cáo cho tay nghề của người thợ ở đây. Cầm dùi đánh vào trống đại để cho khách nghe thử âm thanh, nghệ nhân Ngọc Văn vừa giảng giải: “Chất lượng trống Đọi Tam được gìn giữ qua bao nhiêu thế hệ nhờ người thợ luôn thực hiện một cách kỹ lưỡng, sáng tạo các bước kỹ thuật cơ bản như làm da, làm tang trống, bưng trống. Da làm trống phải là da trâu cái, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi rồi phơi khô. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới thì làm trống nhỏ. Gỗ làm tang trống phải là loại gỗ mít có độ mềm, dẻo, được cắt thành nhiều khúc sau đó làm thành từng mảnh dăm. Tùy theo kích cỡ trống mà định ra bao nhiêu mảnh dăm, độ cong và dẻo của dăm được tính toán kỹ để lúc ghép thành tang trống phải vừa khít. Công đoạn quan trọng nhất là bưng trống. Khi da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, người thợ tiến hành thẩm âm, khi cảm thấy như ý thì mới đóng đinh chốt để cố định vào thân trống. Trống có chất lượng âm thanh như thế nào phụ thuộc vào tay nghề cao thấp của người thợ …”.
XEM THÊM